Chào mừng bạn đã đến với JourJourney.Com, đây là bài viết đầu tiên trong chuyên mục du lịch của JourJourney, hãy cùng tụi mình về với miền Tây và đi một vòng An Giang nha.
Miền Tây là tên gọi thân thuộc thay cho cụm từ Miền Tây Nam Bộ, đối với mình luôn là một nơi gần gũi với cảnh vật và con người mang đậm sự hào sảng và chân chất, tuy rồi theo thời gian cũng sẽ có thay đổi ít nhiều, bài viết này mình xin chia sẻ tổng hợp hành trình 4 ngày rong ruổi miền Tây vào cuối tháng 9 năm 2019 của tụi mình, mà các điểm đến chính tập trung ở tỉnh An Giang, nơi có những cảnh quan đặc trưng mà không nơi nào khác có được.
Lễ hội đua bò vùng Bảy Núi – An Giang
Lễ hội Đôn-ta (Dolta) của người Khơ-me (Khmer) diễn ra hàng năm vào ngày 29/8 đến ngày 1/9 Âm lịch, từ nhiều năm nay Lễ Hội Đua Bò Bảy Núi của người dân vùng Bảy Núi – An Giang cũng được tổ chức vào cùng khoảng thời gian này. Năm nay thời gian lễ hội trùng vào các ngày cuối tuần nên tụi mình quyết định lên kế hoạch đi một vòng An Giang bằng xe máy để trải nghiệm không khí lễ hội, thay vì chỉ nhìn hình ảnh qua internet như mấy năm qua.
Trong chuyến xuyên Việt năm 2018, mình được người bạn chia sẻ cái bản đồ (map) lộ trình có các điểm tham quan Tây Bắc, thấy hay nên giờ mình cũng thử làm một cái cho chuyến đi này. Link tới map mình sẽ cập nhật ở cuối bài nhé (mình sẽ có bài hướng dẫn cách làm một cái map như vậy sau nha, map mình làm bằng Google My Maps – chuyên để tạo bản đồ cá nhân dựa trên dữ liệu của Google Maps).
Tổng hợp hành trình
Trên đường đi do mải mê chụp ảnh nên mình cũng lỡ nhiều địa điểm mà theo mình là nên ghé tham quan, nhưng mình cũng sẽ liệt kê để các bạn tham khảo.
Ngày 1 – Sài Gòn – Châu Đốc (An Giang): 230 km
- Lộ trình thực tế (trong ngoặc là các điểm đến tham khảo): Bến Xe miền Tây – Trần Văn Giàu – Ngã Tư Đức Hoà – ĐT824 – Cầu Đức Hoà – ĐT830 – QLN2 (đầm sen) – QL62 – ĐT819 – ĐT842 – Thị Xã Hồng Ngự (chợ Hồng Ngự, cầu Sở Thượng) – ĐT841 – Cửa khẩu Thường Phước (cột mốc 240) – Bến phà Thường Phước đi Vĩnh Xương – Cầu Bờ Kè Vĩnh Xương 2015 – Cửa khẩu Vĩnh Xương (cột mốc 241) – ĐT952 – Cầu Tân An – Cặp Kênh Đào Thần Nông – ĐT953 cặp Kênh Vĩnh An (các tiểu thánh đường & thánh đường Hồi Giáo, chùa Vĩnh Quang) – ĐT951 (Thánh Đường Hồi giáo Jamiul Azhar) – Phà Châu Giang – Thành phố Châu Đốc (miếu bà chúa Xứ trên đỉnh núi Sam).
- Ăn uống: ăn trưa tại khu vực chợ Hồng Ngự, tối ở khu vực chợ Châu Đốc.
- Chụp ảnh:
- Đầm sen trên tuyến quốc lộ N2 khá đẹp;
- Cầu Sở Thượng – mình chưa biết ở Hồng Ngự cũng có cầu rồng có thể phun lửa vào ban đêm như ở Đà Nẵng nên chỉ kịp quay clip khi đi qua cầu, về tìm hiểu lại mới biết nên khá ngạc nhiên và ấn tượng;
- Mốc 240;
- Tân Lộ Kiều Lương nhìn từ đỉnh núi Sam;
- Ngoài ra trên đường đi cũng có một số cảnh quan mà chỉ có vào mùa nước nổi hay cảnh đời thường của người dân miền Tây cũng rất đặc trưng.
- Vài hình ảnh Một vòng An Giang trong ngày 1:
Mời các bạn cùng trải nghiệm hành trình ngày thứ nhất với tụi mình tại đây: [Rong ruổi Miền Tây | Một vòng An Giang | 2019 – Ngày 1]
Ngày 2 – Châu Đốc – Núi Cấm (An Giang): 70 km
- Lộ trình thực tế (các điểm đến tham khảo): Thành phố Châu Đốc (chùa Long Sơn lưng chừng núi Sam, Tây An Cổ Tự, Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc, Lăng Thoại Ngọc Hầu) – Tân Lộ Kiều Lương – QL91 (Thốt nốt trái tim KCN Xuân Tô, cầu Vĩnh Tế, cửa khẩu Tịnh Biên) – QLN1 – ĐT958B – Liên Hoa Sơn (Nhà Mồ Ba Chúc, Phi Lai Tự, Tam Bửu Tự) – ĐT955B (Cây Dầu) – UBND Xã Lê Trì – Chùa Cây Đuốc – Chùa Soài Chếk – ĐT948 (Hàng Thốt Nốt Huyền Thoại/Nhảy Múa) – Núi Cấm (Chùa Phật Lớn).
- Ăn uống: ăn sáng ở chân núi Sam, ăn trưa gần Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc, ăn tối ở chùa Phật Lớn.
- Chụp ảnh:
- Mình lên chùa Long Sơn chụp ảnh buổi sáng xong xuống ăn sáng rồi đi tham quan ở khu Miếu Bà Chúa Xứ, Tây An Cổ Tự, lăng Thoại Ngọc Hầu;
- Thốt nốt hình trái tim ở trong khuôn viên KCN Xuân Tô (bỏ hoang);
- Dọc kênh Vĩnh Tế (QLN1);
- Khu vực Nhà Mồ Ba Chúc, Phi Lai Tự, Tam Bửu Tự, cây Dầu;
- Hàng cây thốt nốt huyền thoại sau lưng chùa Rachtusna;
- Ban đêm mình có chụp sao ở phía trước chùa Phật Lớn trên núi Cấm nữa.
- Vài hình ảnh Một vòng An Giang trong ngày 2:
Ngày 3 – Núi Cấm – Tri Tôn (An Giang): 15 km
- Lộ trình thực tế (các điểm đến tham khảo): Núi Cấm (chùa Phật Lớn, Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc, hồ Thuỷ Liêm) – ĐT948 (hồ Latina) – Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Đường 30/4 (Sân đua bò, Hồ Đá Đồi Tà Pạ) – Thị trấn Tri Tôn.
- Ăn uống: ăn sáng bánh xèo với rau rừng ở khu vực tượng Phật Di Lặc, ăn trưa đối diện công viên tượng đài Nguyễn Trãi, ăn tối ở khu vực quanh Trung Tâm Văn Hoá huyện Tri Tôn.
- Chụp ảnh:
- Xung quanh hồ Thuỷ Liêm trên núi Cấm;
- Lễ hội Đua Bò Bảy Núi, Đá Đầu Voi, Hồ Đá Đồi Tà Pạ;
- Và còn rất nhiều chùa Khơ-me ở thị trấn Tri Tôn mà các bạn có thời gian nên ghé thăm.
- Vài hình ảnh Một vòng An Giang trong ngày 3:
Ngày 4 – Tri Tôn (An Giang) – Sài Gòn: 226 km
- Lộ trình thực tế (các điểm đến tham khảo): Thị trấn Tri Tôn (Chùa Tà Pạ, Chùa Xvayton) – ĐT941 – QL91 (Thành phố Long Xuyên) – QL80 – Cầu Vàm Cống – Cầu Lấp Vò (Đồng Tháp) – QLN2B – Cầu Cao Lãnh – QL30 (Thị trấn Mỹ Thọ) – Bưu Điện Văn Hoá Xã Mỹ Thọ – QLN2 (Thị trấn Mỹ An – Tháp Mười) – QL62 – QLN2 – ĐT830 – Cầu Đức Hoà – ĐT824 – Ngã Tư Đức Hoà – Trần Văn Giàu – Bến Xe miền Tây.
- Ăn uống: ăn sáng cơm tấm ở khu vực Trung Tâm Văn Hoá H. Tri Tôn rất rẻ mà chất lượng, ăn trưa ở gần chợ Tháp Mười.
- Chụp ảnh:
- Chùa Tà Pạ có kiến trúc đặc trưng của dân tộc Khơ-me tuy phần lớn chùa mới xây mới lại gần đây;
- Chùa Xvayton ngay trung tâm thị trấn;
- Đường về dọc quốc lộ N2 thuộc địa phận Đồng Tháp có nhiều cảnh người dân đang dọn lại ruộng sen mình cũng chụp khá nhiều.
- Vài hình ảnh Một vòng An Giang trong ngày 4:
Chi tiết hành trình mỗi ngày và nhiều hình ảnh hơn sẽ được tụi mình kể lại ở các bài viết sau nha. Cám ơn các bạn đã đọc và xem ảnh.
Link Google My Maps: [Rong ruổi miền Tây | Một vòng An Giang | 2019]
Lưu ý khi tạo map với Google My Maps:
- Chỉ để tham khảo cung đường và ghi nhớ những điểm cần/có thể đến, còn khi di chuyển thì tuỳ vào cảm hứng, cảnh quan và tình thình đường xá thực tế mà mình sẽ thêm hoặc bớt điểm đến hay thay đổi cung đường cho phù hợp.
- Trên Google My Maps khi tạo bản đồ chỉ cho chọn chỉ đường theo “phương thức vận tải” bằng 3 loại phương thức là xe ô tô/xe đạp/đi bộ nên trên thực tế tụi mình sẽ di chuyển dựa trên việc kết hợp 3 thứ: ứng dụng Google Maps (tuỳ vùng sẽ có tuỳ chọn chỉ đường bằng xe máy), địa hình thực tế và hỏi thăm bà con. Tuy nhiên nếu trong trường hợp bạn không tự tin khi quyết định cung đường thì kinh nghiệm của mình thấy là đa số khi Google Maps chỉ đường bằng phương tiện xe ô tô sẽ là cung đường có xác suất có thể di chuyển được cao và an toàn nhất, nhưng không thể chắc chắn 100% vì như ở Tây Bắc có đoạn Google Maps nói là đi bằng ô tô được nhưng thực tế đường nhỏ chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc đường lúc đó đang bị sạt lở hay sửa chữa nữa, nên tốt nhất phải kết hợp hỏi thăm người dân địa phương ngay khi có thể.
Mời các bạn cùng trải nghiệm hành trình với tụi mình tại đây:
[Rong ruổi Miền Tây | Một vòng An Giang | 2019 – Ngày 1]