Sau một đêm nghỉ ngơi khá thoải mái, thì hôm nay sẽ là một ngày dài với rất nhiều điểm đến thú vị. Mọi người hãy cùng JourJourney khám phá nhé!!!
Tham quan Long Sơn Tự
Sáng nay chúng tôi không thể lên núi sớm để đón bình minh. Nhưng vẫn lên để chụp hình cũng như cho a.V bụng bự tham quan chùa. Bên trong chùa Long Sơn bây giờ đã có một cái hồ nhỏ, do phải bơm nước vào hồ nên nước đã ngả sang màu xanh rêu. Xung quanh hồ là những giàn hoa phong lan các loại đua nhau khoe sắc, thỉnh thoảng có cơn gió bất chợt thổi lướt qua khiến các chậu được treo tòn teng hơi đung đưa nhè nhẹ.
Chánh điện khá im ắng vì hôm nay là ngày thường nên không có nhiều người đến viếng. Sau khi lễ Phật chúng tôi bước ra trước sân chụp hình. Đúng là có những thứ tưởng tượng thật lung linh mà thực tế thật tàn tạ, vì trên đường đi có nhiều hoa ti-gôn mọc dại nên tôi quyết định kết thành một vòng hoa, do tranh thủ làm cho nhanh mà không trau chuốt nên khi đội lên tự cảm thấy mình giống bà đ-iên hơn là nàng tiên…
Bình minh đã lỡ buổi sớm mai,
Chào đón nắng vàng Long Sơn Tự.
Núi Sam ôm trọn lòng cô gái,
Gửi gắm theo cùng sắc ti-gôn.
“Sắc hoa ti-gôn” – VanDo
Mời bạn xem thêm album hình tại đây – [On The Way | Núi Sam – Một Sớm Long Sơn Tự]
Ăn sáng bình dân
Dưới chân núi có một hàng bún bình dân. Lúc chúng tôi chạy xe lên thấy có nhiều người ngồi ăn, nhưng khi tụi tôi xuống tới thì quán vắng tanh và dù gần hết đồ ăn nhưng chị cũng cố gắng vét cho tụi tôi 2 tô bánh canh mềm với giá 10k/tô. Chắc do nấu đã lâu làm sợi bánh canh mềm nhừ nên ăn khá ngán…
Tây An Cổ Tự mang kiến trúc độc đáo
Tây An Cổ Tự là một ngôi chùa có khuôn viên nhỏ nhắn, trộn lẫn hai nền kiến trúc của Khơ-me và Ấn Độ nên cũng khá lạ. Nhưng lại gợi cho chúng tôi một thắc mắc chưa có lời đáp vì sao có tượng của một vị tăng trên tay bồng một đứa trẻ nhỉ?
Bây giờ tìm hiểu thì mới biết đó là tượng Quan âm Thị Kính đang bồng đứa trẻ – con của Thị Mầu. Mọi người có thể xem thêm nội dung này trong truyện cổ tích hay vở cải lương nha.
Tây An một sáng nắng vàng ươm,
Cô nàng áo đỏ tỏ tơ lòng.
Mong một ngày kia ai chịu rước,
Bước tiếp cùng người, hứa sẽ ngoan…
“Tây An Cổ Tự ngày nắng” – VanDo
Mời bạn xem thêm hình JourJourney chụp ở Tây An Cổ Tự tại đây – [Architecture | Tây An – Cổ Tự Ngày Nắng]
Miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc
Miếu Bà ban ngày rất đông khách thập phương, có người cúng trái cây, những người có điều kiện hơn thì cúng cả con heo quay vàng ươm, do khách viếng đông đúc nên mọi người nhớ gìn giữ tư trang cẩn thận nha. Khu vực bên trong miếu thờ không được chụp hình và quay phim đâu ạ. Nhưng cái tờ dán biển cấm lại nằm tuốt bên trong miếu sao mà thấy được… nên tôi lỡ quay một xíu.
Trên tầng một ở dãy nhà giữa là nơi triển lãm những hiện vật do khách thập phương đã tin tưởng và được chứng đến cảm tạ bà.
Khuôn viên trước sân miếu có rất nhiều người chụp ảnh nên dù chỉ đứng trong tích tắc vài nốt nhạc nhưng bóng dáng chiếc áo dài đỏ của tôi đã dính vào khung hình của một chị chụp cho khách. Mém xíu là phải lấy tấm đó luôn rồi.
Lăng Thoại Ngọc Hầu vắng lặng giữa trưa
Giữa trưa nắng nên Lăng Thoại Ngọc Hầu không có ai khác ngoại trừ tụi tôi. Sau khi quay hình một lượt, chúng tôi cũng không dám nán lại lâu…
Trời nóng bức mà kiếm hoài không thấy trái cây, các xe đẩy chỉ có me và mây Thái. Cũng may có một gánh bán nước sâm hột é nên chúng tôi ăn ly thập cẩm giá 15k cho giải nhiệt rồi về trả phòng.
Anh bán bún cá giải nghệ – đành phải ăn cơm
Phía đường Hậu Miếu Bà có một quán cơm thịt nướng, do thấy có hai chú công an đang ngồi ăn nên tụi tôi tấp vào. Còn anh xe đẩy bán bún cá chắc giải nghệ rồi, uổng ghê!!! Nhớ hồi đó ảnh còn rủ tụi tôi đi theo ảnh chạy xe qua Cam chơi… Dĩa cơm thập cẩm nên ngoài thịt nướng còn có tôm ram, trứng chiên cắt sợi và mắm đu đủ giá 25k/dĩa, ăn cũng tàm tạm ạ.
Cây thốt nốt trái tim ở Tịnh Biên vắng tanh
Ở Tịnh Biên cũng có cây thốt nốt trái tim nên tụi tôi chạy vào đó xem thử. Nó nằm trong khuôn viên của KCN Xuân Tô đang bị bỏ hoang nên chạy xe vào thoải mái. Hình trái tim được tạo thành bởi ba cây thốt nốt đứng cạnh nhau và xung quanh có rất nhiều hàng cây thốt nốt xanh tươi.
Sau một hồi quan sát thì tụi tôi đều đồng tình là hình trái tim ở đây cân đối hơn chỗ mọi người thường chụp và đăng hình trên mạng… Mọi người hãy thử nha!!!
Kem ống tuổi thơ
Sau một hồi áo bà ba tung bay trong gió thì tụi tôi vô tình chạy ngang qua trường tiểu học. Trời nóng quá thì sao đây, phải ăn kem chứ sao đây… Nhân dịp sinh nhật của anh Khoai Mỡ nên tụi tôi quất có 11 cây kem ống chứ có nhiêu đâu.
Hồi nhỏ tui chỉ ăn kem đậu xanh, đậu đen hay sầu riêng thôi. Ở đây chú bán nào là chanh xanh, bạc hà, cam, sting, bò húc, dừa và đậu đen với giá 2k/cây, tụi tôi ăn nhiều quá nên chú tặng 1 cây.
Kem dừa giống như nước cốt dừa được thắng cho sệt lại rồi bỏ ngăn đá cho đông, khi cắn vào sẽ thấy nó mềm mềm, béo béo thích hợp cho người lớn tuổi. Và kem đậu đen xứng đáng đứng ngôi vị cao nhất, vẫn rất ngon tuyệt vời…
Cửa khẩu Tịnh Biên
Do ở gần biên giới nên chúng tôi quyết định chạy đến cửa khẩu Tịnh Biên. Nhưng lại không được vào trong để chụp hình với cột mốc vì nghe anh hải quan nói phải qua cổng cỡ 2km mới tới cột mốc làm tui nhớ cửa khẩu Bờ Y quá chừng. Thế là cả 3 đành lủi thủi ra về. Trước khi về cũng phải tranh thủ chụp vài tấm hình kỷ niệm chứ nhỉ…
Trên đường đi JourJourney đã ghi lại một số hình ảnh, mời các bạn xem tại đây – [On The Way | Kênh Vĩnh Tế – Mênh Mông Miền Tịnh Biên]
Nhà mồ Ba Chúc – không khỏi rùng mình
Chạy men theo con kênh Vĩnh Tế chúng tôi đến Nhà mồ Ba Chúc nơi còn lưu giữ lại tàn tích của nạn diệt chủng Pôn Pốt tại Ba Chúc năm 1978. Khi đứng bên trong đóa sen trắng ta sẽ thấy được tất cả những bộ hài cốt đã tìm thấy được. Cảm giác thật rùng rợn khi tưởng tượng ra viễn cảnh ngày xưa.
Mời các bạn xem thêm hình tại đây – [Architecture | Nhà Mồ – Ký Ức Ba Chúc]
Để thấy rõ nét hơn tụi tôi vào phòng triển lãm – nơi trưng bày những hình ảnh về sự kiện thảm sát này.
Chùa Phi Lai mộc mạc – Tam Bửu Tự trùng tu
Kế bên Nhà mồ chính là chùa Phi Lai. Khi vào bên trong không gian chìm ngập trong tiếng gõ mõ tụng kinh của một chú trung niên. Và trên tòa nhà phía sau chánh điện có một bà cụ đang ngồi gióng chuông. Dù từ trên cao bà nhìn thấy được chúng tôi, nhưng việc chúng tôi đi vào không hề làm chú và bà bị ảnh hưởng chút nào. Đây là nơi tôn giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa trú ngụ. Và trên tất cả các bàn thờ đều chỉ chưng một loại hoa mộc mạc mang tên là “Điệp”…
Mời các bạn xem thêm nhiều hình ảnh của Phi Lai Tự tại đây – [Architecture | Phi Lai Tự – Tứ Ân Hiếu Nghĩa]
Phía đối diện chính là ngôi chùa Tam Bửu đang được xây dựng lại khang trang hơn. Đây là hai ngôi chùa năm xưa, dù cho người dân có chạy vào trốn nhưng vẫn không tránh được cảnh bị thảm sát khốc liệt…
Nếu muốn vào tham quan thì mọi người phải đi gửi xe ngay trước cổng ở chốt của anh dân quân chỉ tốn 5k/xe thôi ạ.
Hàng thốt nốt huyền thoại Tịnh Biên
Điểm đến tiếp theo của tụi tôi chính là “Hàng thốt nốt huyền thoại” ở Tịnh Biên này. Giờ đây càng xác nhận rõ hơn câu nói: “Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”. So với các hàng cây thốt nốt xanh tươi cao đều thẳng tắp thì hàng thốt nốt đối diện với mặt sau của chùa này chỉ được cái đa dạng về dáng, chắc do chúng phát triển không tốt tươi nên mỗi cây mỗi dáng, cong cong xiêu vẹo, gặp vào mùa nắng cháy da nên những tán lá già nua, héo khô buông rũ xuống thân cây trông thật tơi tả. Nhưng khi lên hình thì thật là ảo diệu và phong cách…
Mời các bạn xem bộ hình mình chụp vui vẻ ở địa điểm thú vị này nha:
Núi Cấm – điểm nên đến ở An Giang
Trời đã bắt đầu tắt nắng, tụi tôi tiến thẳng đến chân núi Cấm, vé tham quan là 20k/ người.
Các cách lên đỉnh
Ở đây có 3 cách để lên đỉnh nhưng không được tự chạy xe máy của mình lên vì để đảm bảo an toàn.
Nếu muốn đi bộ thì sẽ phải leo theo lối các mỏm đá, đường này thì tụi tôi chưa tìm hiểu nên không dám thử. Nếu đi cáp treo thì giá vé khứ hồi khoảng 180k (đã bao gồm vé tham quan 20k). Cách tụi tôi chọn là đi xe ôm do người dân địa phương chở thì giá khứ hồi là 200k chở 2người/xe; 120k chở 1người/xe.
Người dân ở đây quen đường nên chạy rất nhanh và trời mát thì còn không đội cả nón bảo hiểm nữa. Chỉ có tụi tôi ngồi sau là nơm nớp lo sợ thui à.
Gợi ý chỗ ngủ
Trước đây tụi tôi đã nghỉ ở phòng trọ trên núi nhưng cảm thấy phòng hơi chật và vệ sinh không đảm bảo lắm, nên đợt này muốn vào chùa Phật Lớn xin ngủ nhờ.
Vô tình khi bước qua khỏi cây cầu đỏ thì chúng tôi gặp một chị mặc áo vạt khách, nhìn thấy tụi tôi vác đồ khệ nệ chị nhiệt tình kêu tụi tôi nên ngủ lại chùa rồi cúng dường thay vì bỏ tiền ra ở trọ bên ngoài. Do có duyên gặp gỡ nên tụi tôi quyết định đi chung với nhóm của chị.
Vào chánh điện chùa Phật Lớn đúng lúc chuẩn bị đọc kinh nên tụi tôi chia ra: tôi ở lại phụ chuẩn bị kệ, đệm rồi ở lại tụng kinh. Hai anh đi chung vài người bên đoàn của chị để vào nhận mùng mền chiếu gối. Cả nhóm chỉ cần đưa 1 CMND rồi sáng mai trả đồ rồi nhận lại thôi.
“Ăn chùa” lúc nào cũng thấy ngon
Hôm nay đúng dịp chùa cúng sám hối nên mọi người được ăn chè đậu xanh thả ga. Chị H còn mời tụi tôi qua bên nhóm chị để ăn bánh tráng cuốn tàu hủ. Không biết do bánh tráng và tàu hủ ngon quá hay do tấm lòng của những người con An Giang này gần gũi, thân tình mà tụi tôi ăn thấy ngon quá đa.
Tôi và a.V ăn khí thế, chỉ có anh Khoai Mỡ vừa ăn vừa lo chùa Vạn Linh đóng cửa tắt đèn thì ảnh không chụp được.
Câu chuyện đau lòng – không có hồi kết
Ăn xong tụi tôi còn mải mê lắng nghe câu chuyện trộn lẫn giữa tiếng Việt và Khơ-me, câu chuyện đau lòng khi người Việt qua đó sống và sinh con, rồi cho con cái đi học và làm việc ở bên Cam mấy chục năm nay, đùng một phát NN Cam tịch thu lại hết giấy tờ, xưởng của chị H còn bị phá sạch…
Người Việt KHÔNG có cơ sở gì để TRANH CHẤP mảnh đất mà mình đã bám vào bao nhiêu năm nay, sao mà bấp bênh đến vậy… Những người không chịu được như chị H thì quay về VN sống…
Thế đấy, những con người cùng dòng họ, đồng hương ở hai bên biên giới vẫn qua lại, khắng khít với nhau thế thôi. Còn câu chuyện của hai mẹ con cô người Việt ở Cam làm tôi nhớ khi vào thăm người quen ở bệnh viện trên SG vẫn thấy nhiều người Cam qua chữa bệnh… Phải chăng họ cũng là những người gốc Việt.
Mong rằng người Việt mình sẽ cư xử thân thiện với người Cam đừng như chính phủ Cam đối xử với người Việt mình…
Cuộc đời như một thước phim dài
Chúng tôi đi ra trước tháp Xá Lợi, bỏ lại bên trong câu chuyện đang nghe dở dang… Chùa Vạn Linh đã tắt đèn, nên bây giờ anh Khoai Mỡ xách chân máy đi phơi sao.
Ngồi một hồi thì chúng tôi thấy nhóm của chị H đi ra nên lại nhập vào trò chuyện. Từ đây chị kể và gợi ý cho tụi tôi khá nhiều thứ. Chị cũng mê đi du lịch bụi, cũng thích kinh doanh và kể chuyện nhưng chị lại không thể lên hình vì lý do cá nhân. Chị thuộc thế hệ 7X đời cuối và cuộc sống cứ như một thước phim dài vì từ 6 tuổi chị đã phải ra đời, bươn chải với cuộc sống.
Một người con với hai dòng máu Cam-Hoa vẫn ko được NN Cam bảo bọc. Từ đó chị chọn sống trên đất Việt và giao thương với người Cam. Nghe chị kể chúng tôi mới biết chắc việc lên núi còn đi theo đường bộ nhưng sẽ đi hướng khác. Nên để đợt sau trải nghiệm leo núi Cấm rồi tụi tôi sẽ chia sẻ với mọi người sau heng.
Mải mê nghe những câu chuyện ma mị ly kỳ…
Đang miên man theo những câu chuyện tâm linh mà nhóm chị kể thì có hai cô chú trung niên đi cùng với một sư thầy để nhờ thầy ban phước khi đi hành hương ở mười kiểng chùa… Và như chị H giải thích thì tôi cùng nhóm của chị và hai cô chú ngồi trước tượng Phật Quán Thế Âm để nghe thầy ban phước. Những câu chúc an lành cho cuộc sống, cho gia quyến tổ tiên, …
Chị nói may mắn lắm thì tôi mới gặp được dịp như vậy. Thật may khi có duyên gặp chị. Chị còn nhờ một anh trong nhóm tặng cho tụi tôi mỗi người một tờ 100 Ria – đây là tờ tiền may mắn vì cả 2 mặt đều có hình của Đức Phật…
Ở nơi xa xôi đó dưới màn đêm gió lạnh hơi sương và bên cạnh là hồ Thủy Liêm rộng lớn thì tình người cũng rộng lớn quá đa…
Trái Đất ngày càng nóng lên?
Cảm nhận của tụi tôi là không khí trên núi Cấm đã không còn lạnh đến mức thở ra khói như chỉ mới vài năm trước, đã không còn cảnh đứng run lập cập, răng cứ gõ vào nhau không thôi. Có lẽ nào cả Trái Đất đều NÓNG lên không ngừng???
Tối nay chúng tôi ngủ lều…
Tổng kết ngày thứ hai (2 người/xe):
- Chi phí: ăn uống 125k, xăng xe 30k, tham quan 240k
- Điểm đến: núi Sam, chùa Long Sơn, Tây An Cổ Tự, Miếu bà Chúa Xứ Châu Đốc, lăng Thoại Ngọc Hầu, cây thốt nốt trái tim KCN Xuân Tô, cửa khẩu Tịnh Biên, Nhà mồ Ba Chúc, chùa Phi Lai, chùa Bửu Sơn, hàng thốt nốt huyền thoại, núi Cấm, chùa Phật Lớn.
Mời các bạn xem lại ngày thứ hai trong hành trình của tụi mình qua các liên kết dưới đây: