Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, các bạn có thấy bất ngờ khi ở Việt Nam vẫn còn người dù đang trong độ tuổi thanh niên mà lại không biết chữ không? Cách đây vài năm lúc mình vẫn còn làm ở một công ty cơ khí thì đã gặp một trường hợp như vậy. Khi mình nhập thông tin của anh công nhân mới vô làm vào hồ sơ nhân viên thì thấy phần trình độ văn hóa chỉ ghi chữ Không. Sau khi gọi anh lên để hỏi lại thì mới biết anh không biết chữ, cố lắm thì chỉ viết được tên của mình chỉ có 2 ký tự. Vậy anh sẽ nhờ người khác viết và đọc hộ mình suốt cuộc đời này hay sao? Và khi có những vấn đề liên quan đến văn bản thì anh sẽ gặp khó khăn như thế nào? Trong đầu mình lúc đó cứ suy nghĩ hoài, ban đầu là rất tội cho anh, nhưng sau đó mình nghĩ lại thì thấy tại sao anh không cố gắng nhiều hơn để biết đọc, biết viết.
Dù không chắc sẽ trở thành người giàu có, nhưng chắc hẳn khi biết chữ mình sẽ biết nhiều tri thức hơn trong cuộc đời mà chúng ta chỉ được sống một lần.
Vậy trong những năm đầu của thập niên 70 thì nền giáo dục của các nước ở Đông Nam Á sẽ như thế nào? Hôm nay, JourJourney muốn giới thiệu đến các bạn một cuốn sách có tên là “Chiến binh Cầu vồng” của nhà văn Indonesia Andrea Hirata. Cuốn sách này mình được một người bạn giới thiệu và yêu cầu mình cố gắng đọc thật nhanh để có thể lan truyền sức ảnh hưởng về sự nghiệp giáo dục đến với càng nhiều người càng tốt và càng nhanh càng có ý nghĩa nhiều hơn. Bạn ấy thật sự rất xúc động khi đọc và mình cũng thế, mình cũng nghĩ rằng khi đọc cuốn sách này thì không ai có thể ngăn được những giọt nước mắt cứ chực trào ra.
Nội dung của cuốn sách “Chiến binh Cầu vồng” dựa trên câu chuyện tuổi thơ của chính tác giả, khi mà những ký ức ấy sống lại vô cùng sinh động, chất chứa vô vàn niềm vui, nỗi lo sợ, sự cơ cực, nghèo khó nhưng vụt sáng lên trong đó chính là niềm tự hào về những tài năng đã tỏa sáng trong màn đêm và đã làm nên những chuyện phi thường. Và những người góp phần làm nên kỳ tích ấy chính là hai thầy cô đã dùng hết tâm huyết của mình dạy cho những đứa học sinh nghèo khó và không ngừng đấu tranh để giữ lại ngôi trường làng dột nát, xiêu vẹo ấy.
Nơi sẽ mãi không ngừng tỏa ra ánh sáng của tri thức chính là trong đôi mắt sáng ngời của những đứa trẻ ham học hỏi này.
JourJourney mong rằng những thầy cô, những cá nhân có ảnh hưởng đến nền giáo dục của Việt Nam xin hãy ít nhất một lần đọc thật kỹ cuốn sách này và suy ngẫm đến điều cốt yếu của giáo dục để có thể góp phần đào tạo ra những thế hệ người Việt đáng tự hào.
Còn bây giờ thì mọi người hãy cùng JourJourney trải cảm xúc của mình với từng câu chữ đáng giá trong tác phẩm này nha.
Ngày đầu tiên đi học
Như mọi người cũng đã biết câu chuyện này viết về tuổi thơ của chính tác giả nên chúng ta hãy cùng nhau quay ngược thời gian để trở về bối cảnh đất nước Indonesia vào những năm đầu của thập niên 70.
Thực trạng ở đảo Belitong
Belitong là hòn đảo nhỏ giàu có nhất Indonesia và được mệnh danh là Đảo Thiếc. Nhưng hòn đảo sáng lóa đó lại phân hóa giàu nghèo vô cùng rõ rệt, và công ty nhà nước độc quyền khai thác thiếc đó được gọi tắt là PN.
Chính quyền Indonesia tiếp quản PN từ thực dân Hà Lan không chỉ về của cải mà còn cả tâm thức phong kiến. Có một nghịch lý là những người nắm quyền ở PN thì không có ai là người Belitong-Mã Lai cả, và gia đình của những nhân viên PN thì được sống xa hoa, lộng lẫy ở Điền Trang, họ cho con của mình học ở ngôi trường PN có những trang thiết bị đáng mơ ước. Và cách đối xử của PN đối với người làm công bản xứ mang tính phân biệt đối xử hà khắc. Trong khi tất cả số tiền họ kiếm được từ những mỏ thiếc lại được khai thác trên chính mảnh đất quê hương của những con người phải sống trong những ngôi nhà xiêu vẹo, làm những công việc nặng nhọc cho PN, hàng ngày phải lay lắt với cuộc sống thiếu thốn túng quẫn.
Những cư dân bản xứ của Belitong giống như một bầy chuột đói khát trong một cái kho đầy nhóc thóc. Trong khi đó mục tiêu của PN là trao quyền lực cho thiểu số để thống trị đa số, giáo dục thiểu số để sai khiến đa số.
Những người Belitong-Mã Lai thuộc cộng đồng nghèo nhất trên đảo và Trường Tiểu học Muhammadiyah cũng là ngôi trường làng nghèo nhất ở Belitong. Và ngôi trường lâu đời nhất ở Belitong này có nguy cơ sẽ bị đóng cửa nếu năm học này không có đủ mười học sinh mới. Do đó không khí của ngày đầu tiên đi học tại Trường Tiểu học Muhammadiyah nhuốm một màu lo âu khắc khoải không giống như không khí ngập tràn niềm hân hoan của buổi tựu trường tại những ngôi trường tiểu học khác.
Ai cũng có những nỗi lo của riêng mình
Thầy hiệu trưởng Harfan lo rằng bao nhiêu năm toàn tâm toàn ý dành cho sự nghiệp trồng người của thầy sẽ phải khép lại. Cô Mus thất vọng vì những dự định lớn lao của cô dành cho ngôi trường tội nghiệp này sắp vỡ tan tành trước khi cô kịp bắt tay vào thực hiện. Cô chỉ mới mười lăm tuổi, và vừa mới tốt nghiệp tại một trường dạy nghề dành cho nữ sinh tuần trước, hôm nay là ngày đầu tiên cô được làm cô giáo.
Các bậc phụ huynh lại lo lắng về những khoản chi phí, việc cho con đi học không phải là chuyện đơn giản đối với họ. Do nhà đông con nên những người làm nghề thợ mỏ với đồng lương eo hẹp hay những người trông nom đập nước, thợ xảm thuyền, ngư dân hay nông dân thì việc cho những đứa con đi làm cu li hay người giúp việc để giảm đi phần nào gánh nặng tài chính cho gia đình sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Cũng giống như mọi người dân Indonesia khác, họ không nhận thức được rằng đi học là một quyền cơ bản của con người. Và họ cũng không mấy tin rằng nếu con cái được học hành thì tương lai của gia đình họ sẽ tươi sáng hơn.
Nhưng vì nghe theo lời của chính quyền nhằm mong cho con của họ thoát khỏi cảnh một chữ bẻ đôi cũng không biết nên họ mới đưa con của mình đến Trường Tiểu học Muhammadiyah do trường không bắt buộc đóng học phí, và phụ huynh có thể đóng góp bất kỳ thứ gì vào bất kỳ lúc nào họ có khả năng.
Còn chín đứa trẻ bị mắc kẹt ở giữa thì đau lòng quá đỗi khi biết rằng cái khao khát học hành mãnh liệt của bọn chúng sẽ bị đập tan vì chỉ thiếu một học sinh.
Tưởng chừng như không còn hy vọng gì nữa và thầy hiệu trưởng Harfan chuẩn bị đọc bài phát biểu cuối cùng của mình thì cậu nhóc Harun – một cậu con trai cao gầy, mười lăm tuổi, vui nhộn nhưng có trí óc kém phát triển xuất hiện. Cậu là đứa học trò thứ mười và đã trở thành người anh hùng trong tiếng vỗ tay hoan hô của cả bọn.
Hai giáo viên ở Trường Tiểu học Muhammadiyah
Thầy hiệu trưởng Harfan
Gương mặt của thầy Harfan có hơi dễ sợ một chút, quần áo của thầy sờn cũ hết cả rồi. Nhưng vì sự nghiệp giáo dục Hồi giáo, thầy đã hết lòng phụng sự Trường Tiểu học Muhammadiyah này hơn năm mươi năm mà không được trả một đồng lương nào. Gia đình thầy sống bằng số hoa màu trồng ở vườn nhà. Cuối tuần thầy còn đi xe đạp 100 cây số để bán số hoa màu đó nhằm có tiền mua sách cho học trò của mình.
Ngay trong cái ngày đầu tiên ấy, thầy đã kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện vô cùng hấp dẫn và ý nghĩa bằng chất giọng lúc thì sang sảng, khi thì trầm lắng như làn gió nhẹ sớm mai. Bọn trẻ chăm chú lắng nghe và say sưa nuốt từng lời thầy kể. Thầy Harfan đúng là người sinh ra để đứng trên bục giảng. Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn, người dìu dắt tinh thần cho học sinh của mình.
Có bao nhiêu thầy cô ở chính ngôi trường tiểu học mà bạn đã từng học qua có được sự uyên bác và khả năng kích thích sự ham học hỏi của học sinh như thầy Harfan?
Thầy còn dạy cho bọn trẻ bài học đầu tiên chính là phải giữ vững niềm tin và khát khao mãnh liệt để đạt được ước mơ. Và mỗi đứa học trò của thầy sau này đều theo đuổi những ước mơ riêng nhưng không phải ai cũng tránh được số phận nghiệt ngã đã an bài…
Và nếu có chết, thầy sẽ chết ở ngôi trường này.
Cô giáo trẻ
Một cô gái trẻ tuy chỉ mới mười lăm tuổi nhưng lại rất quyết tâm trở thành một giáo viên, trong khi với tấm bằng của mình cô có thể làm nhân viên hành chính cho PN – một công việc đầy hứa hẹn. Tận trong trái tim khối óc của mình cô Mus ngưỡng mộ nghề dạy học cao quý ấy đến nhường nào nên cô quyết định dạy ở Trường Tiểu học Muhammadiyah dù cho không được trả lương. Và sau một ngày vắt kiệt sức với bọn học trò, cô nhận hàng về may đến quá nửa đêm, đó chính là kế sinh nhai của cô.
Những khi hết phấn cô Mus lại đưa cả bọn ra ngoài dùng mặt đất làm bảng. Những hôm trời mưa tầm tã, sấm chớp đì đùng, mưa như trút nước xuống mái trường bị dột, nhưng trong lớp học ấy đứa học trò nào cũng ngồi yên không nhúc nhích, tay thì cầm dù, còn cô Mus thì che đầu bằng một tàu lá chuối. Mưa suốt bốn tháng trời mà không đứa nào bỏ học lấy một buổi, không đứa nào mở miệng than phiền.
Cô Mus và thầy Harfan không chỉ là thầy cô giáo mà họ còn là bạn bè, là những người dẫn dắt tinh thần cho bọn trẻ luôn đi đúng hướng. Họ hiện thân cho sự tận tâm, và là giếng nước kiến thức thanh khiết cho cánh đồng khô hạn bỏ hoang.
Chiến binh Cầu vồng
Sau mỗi cơn mưa tụi nhỏ lại leo lên các nhánh cây filicium trong sân trường để ngắm nhìn một dải cầu vồng bảy sắc đẹp mê hồn, và vì thói quen đó nên cô Mus đặt cho chúng biệt danh là Laskar Pelangi có nghĩa là Chiến binh Cầu vồng.
Mười đứa học trò
Năm tháng trôi qua, những đứa trẻ lớn dần lên, cùng nhau trải qua biết bao thử thách và vất vả cho nên cả bọn thân thiết như anh em một nhà và hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc.
Syahdan có vóc dáng nhỏ nhất lớp dù cho không ai ăn nhiều bằng cậu.
A Kiong tuy có vẻ ngoài không đẹp và có cái đầu hình dạng như cái hộp nhưng lại nhanh chóng hấp thụ kiến thức.
Sahara là đứa con gái duy nhất trong lớp, nó có tính cách cương quyết, thẳng thừng và chân thật – nó chẳng nói dối bao giờ, nhưng Sahara và A Kiong luôn đối đầu nhau. Mặc khác, Sahara lại rất ân cần với Harun.
Trên mặt Harun luôn nở nụ cười ngờ nghệch, cậu cư xử tốt với tất cả mọi người, trầm tính và rất thích con số ba.
Trapani là hoàng tử của lớp, với khuôn mặt điển trai, quần áo tươm tất và những lời cậu thốt ra được chọn lựa hết sức kỹ lưỡng. Cậu mong muốn sau này khi lớn lên sẽ làm giáo viên và dạy học tại những vùng xa xôi hẻo lánh để giúp cải thiện nền giáo dục và điều kiện sống cho cư dân Mã Lai. Ngoài ra, cậu rất gần gũi với mẹ vì là đứa con trai duy nhất trong sáu đứa con.
Kucai là đứa có vẻ sáng sủa, thân thiện, dễ mến, lúc nào cũng tỏ ra biết tuốt nên tuy không sáng dạ lắm nhưng cậu hội đủ mọi yêu cầu cần thiết để trở thành một chính trị gia, do đó cả lớp bầu cậu làm lớp trưởng.
Borek ban đầu chỉ là một cậu nhóc bình thường nhưng sau khi cậu tìm thấy một cái chai chứa sản phẩm mọc tóc có hình một ông cao to lực lưỡng thì từ đó trở đi cậu không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu phát triển cơ bắp của mình. Và rồi cậu được bạn bè gọi là Samson – một danh hiệu cao quý mà cậu rất lấy làm hãnh diện.
Dù còn rất nhỏ tuổi nhưng Samson đã biết đích xác điều cậu muốn, trong khi có những người không bao giờ tìm thấy bản thân mình và cứ thế đi hết cuộc đời như bao người khác.
Nếu các bạn có để ý thì trên đây chỉ là bảy cái tên mà thôi, vậy ba đứa trẻ còn lại là ai? Người đầu tiên là Ikal, chính là tác giả nên cậu sẽ không nói gì nhiều về mình vì bận quan sát những đứa bạn khác rồi. Hai nhân vật còn lại chính là Lintang và Mahar, hai cậu nhóc ấy thật sự đặc biệt nên sẽ phải nói dài dòng hơn nhiều, do đó các bạn tiếp tục xem những phần sau nha.
Hai đứa trẻ đặc biệt
Cậu nhóc miền biển
Lời hứa đầu tiên của Lintang
Cô Mus xếp chỗ cho mười đứa học trò dựa trên nét giống nhau của chúng, và cậu nhóc Ikal sẽ ngồi cùng một đứa con trai nhỏ thó, nhếch nhác, tóc đỏ hoe xoăn tít có tên là Lintang. Đứa con trai miền biển nghèo khó ấy đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn để được đi học. Tầm bốn giờ sáng cậu đã phải đạp xe bốn mươi cây số gập ghềnh sỏi đá để đến lớp, trên đường cậu phải đi qua bốn rừng cọ rậm rì và những vùng đầm lầy đầy cá sấu bò ngang qua đường mà ai nghe tới cũng rợn cả tóc gáy.
Lintang là đứa con trai cả trong gia đình mà bốn đời dòng họ đều làm nghề đánh cá. Nhưng năm nay cha của cậu muốn bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn của đói nghèo, dù cho đối với ông, giáo dục là một điều bí ẩn. Vì thế Lintang là người đầu tiên được đến trường. Đôi mắt của cậu sáng rực lên khi lia khắp phòng học với vẻ háo hức, và khung cảnh hỗn độn của lớp học khiến cậu ngạc nhiên, thích thú.
Vì cha của Lintang không thể tự điền vào mẫu đơn thông tin của cha mẹ nên cậu nhóc đã đứng lên với lời hứa sẽ hoàn thành nó ngay khi cậu biết đọc biết viết. Chắc hẳn không chỉ có những người chứng kiến cảnh tượng ấy, mà chính độc giả như chúng ta – ai cũng sẽ sửng sốt, ngỡ ngàng trước hành động đứng lên che chở cho người cha của một cậu nhóc chỉ mới bước vào lớp một mà thôi. Liệu có đứa trẻ nào như Lintang?
Và chưa đầy một tháng sau Lintang đã có thể hoàn thành được lời hứa đầu tiên của mình trong sự ngạc nhiên của cô Mus và cả đám bạn.
Lúc đó cậu nhóc Lintang cứ như thể là một viên ngọc trai sáng lóa trong một con trai miệng đang hé mở.
Con đường đến trường
Dù nhà xa nhất nhưng lúc nào Lintang cũng có mặt ở trường sớm nhất, nhưng có một hôm cậu đến lớp trễ bởi vì cậu đã gặp một con cá sấu to như một cây dừa nằm chắn ngang giữa đường, may là pháp sư cá sấu Bodenga đã xuất hiện nên con cá sấu mới bỏ đi. Tuy nhiên, cậu sợ ông pháp sư ấy còn hơn những con cá sấu nữa và câu chuyện về vị pháp sư này là một câu chuyện buồn.
Mỗi ngày Lintang phải đi về hết tám mươi cây số, nếu ở trường có thêm hoạt động gì thì phải đến tối mịt cậu mới về tới nhà. Và trên đường đi lúc nào cậu cũng phải đối mặt với việc chấp nhận mạo hiểm tính mạng của mình vì lũ cá sấu. Vào mùa mưa khi con đường biến thành sông ngập ngang ngực thì cậu phải để chiếc xe đạp lại, bỏ hết quần áo sách vở vào túi nhựa rồi ngậm vào miệng bơi thật nhanh đến trường, nếu không cậu sẽ làm mồi cho cá sấu. Do đó trước khi đi học cậu thường tắm bằng lá trầu không – một chất khử trùng truyền thống. Nhà không có đồng hồ, gặp bữa con gà nổi cơn gáy sớm làm cậu vội vã cầu kinh sáng rồi cắm đầu cắm cổ đạp xe, đến giữa rừng cậu mới ngờ ngợ là còn nửa đêm nên ngồi co ro dưới gốc cây đợi tới trời sáng.
Đã vậy, chiếc xe đạp cà tàng của cậu bị đứt xích không biết bao nhiêu lần, đến khi xích quá ngắn không gắn lại được nữa cậu phải dắt bộ mấy chục cây số. Lúc đến lớp đã là tiết học cuối cùng, thế nhưng cậu đã được hát một bài hát về quê hương đất nước thật có hồn và không gợn chút mệt nhọc nào. Sau khi hát xong cậu lại dắt xe bốn mươi cây số để về nhà.
Một thiên tài ra đời
Để được đi học thì mỗi ngày khi từ trường về Lintang phải đi làm cu li cùi dừa, không được nghỉ ngơi chút nào. Đến khuya cậu mới được học bài vì nhà chật chội và chỉ có một cây đèn dầu. Nhưng khi cầm sách lên, tâm trí cậu như quên đi những vất vả khó khăn của cuộc sống thường ngày, cậu đắm mình trong từng câu từng chữ và có thể dễ dàng hiểu được những mô phỏng toán học về không gian đa chiều.
Ở trong căn lều chật chội, nghèo túng đó một thiên tài đã ra đời. Và liệu cậu có cơ hội để phát huy tài năng của mình hay không?
Kể từ lúc Lintang có thể tự điền hết thông tin vào tờ phiếu năm lớp một, cô Mus đã nghĩ cậu là thần đồng, và cố gắng gọt giũa trí óc của cậu để cho sự thông minh đó được tỏa sáng. Lintang luôn say mê học hỏi điều mới mẻ và cậu rất hăng hái trực nhật phòng hiệu trưởng vì ở đó cậu có cơ hội đọc tất cả các loại sách trong tủ sách của thầy. Thầy Harfan không chỉ nhẫn nại dạy mà còn cho cậu mượn sách nữa.
Không những thông minh mà Lintang còn có nhiều đức tính tốt nên cả lớp đều ngưỡng mộ cậu, và khi không ganh ghét một người giỏi giang thì sẽ được người đó khai sáng.
Và cũng chính vào cái ngày Lintang được pháp sư Bodenga cứu, cậu biết mình không thể đợi mà phải cố gắng tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt.
Nghệ sĩ tài ba
Tuy nhiên, dù có cố gắng huy động toàn bộ trí thông minh thì Lintang cũng chỉ được điểm sáu trong môn Nghệ thuật mà thôi. Trong khi đó một cậu nhóc lúc nào cũng được điểm tám môn này chính là Mahar – một đứa có khuôn mặt đẹp trai nhưng luôn khoác trên mặt nụ cười tinh quái. Cứ ngỡ như cả lớp không có đứa nào có năng khiếu hát hò thì đến một buổi trưa nọ, chính là lần đầu tiên cả lớp được nghe giọng hát rền vang của Mahar, cậu không chỉ hát bằng miệng mà bằng cả tâm hồn mình, trên tay cậu đang gảy chiếc đàn ghi-ta Hawaii khiến cho bầu không khí đượm chất lãng mạn.
Thế nhưng trên đôi bàn tay ấy đã để lại dấu tích của việc cậu đi làm cu li mài dừa sau giờ học, khi mà những vết bóng loáng dầu không thể nào gột sạch được. Cha cậu đã qua đời và mẹ thì đau ốm triền miên, Mahar phải làm việc để giúp gia đình mình sống sót. Và trong buổi trưa ngày hôm ấy, một nghệ sĩ tài ba đã ra đời.
Nhờ có cậu mà Trường Tiểu học Muhammadiyah đã có một tiết mục vô cùng ấn tượng tại lễ hội hóa trang, khi mà cả thế kỷ nay trường của cậu đều bị coi thường vì không có tiền để thuê trang phục. Nhưng vì có tính tình lập dị nên cậu trở thành một tín đồ của pháp sư Tuk Bayan Tula và chìm trong thế giới tăm tối của Shaman giáo. Đồng thời, cô bé Flo – thành viên mới của đội Chiến binh Cầu vồng đã từ bỏ trường PN để cùng cậu tìm hiểu những hiện tượng thần bí.
Hai đứa trẻ đặc biệt đó giàu không thể tưởng tượng nổi – Lintang tiếp thu từ số sách của thầy hiệu trưởng, Mahar thì có tố chất nghệ thuật và cũng nhờ cậu thường nghe âm nhạc trên radio.
Những giọt nước mắt
Bảng điểm dành cho mẹ
Lintang thường đến nhận bảng điểm cùng cha, nhưng lần này cậu đã mua được một cái vỏ xe đạp mới chắc chắn hơn, thay cho cái vỏ cũ với vô số lỗ thủng, và cậu cũng đã sửa được cái xích nên đây sẽ là lần đầu tiên cậu chở mẹ đến trường để nhận bảng điểm. Do cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp nên cha của Lintang phải đi bộ từ lúc nửa đêm, trời vừa sáng thì cậu cũng vừa kịp chở mẹ đến nơi và cả nhà cậu cũng là những người đầu tiên đến trường.
Vì Lintang chính là niềm hãnh diện của Trường Tiểu học Muhammadiyah nên thầy hiệu trưởng đã mời mẹ của cậu lên phát biểu như là để thể hiện sự tôn trọng việc bà đã đi một đoạn đường xa để đến trường. Người mẹ mắc chứng bại liệt đó đã chống gậy bước lên đón nhận lấy bảng điểm của cậu con trai từ tay thầy Harfan, bà cũng giống như cha Lintang và hầu hết những bậc cha mẹ khác, bà không biết chữ nên cũng không biết rằng mình đã cầm ngược bảng điểm. Bà rất tự hào về đứa con trai cả của mình, và luôn cầu nguyện cho Lintang đạt giải Học sinh giỏi để ngôi trường này không bị đóng cửa và cũng tin rằng tương lai của gia đình có thể sẽ tốt đẹp hơn. Đôi mắt của cậu ướt mờ lệ.
Đến chiều tàn, khi buổi lễ bế mạc kết thúc thì cả gia đình Lintang cũng cùng nhau ra về. Dường như tấm bảng điểm và năng lực học tập của Lintang phần nào giúp họ thoát khỏi những nỗi cơ cực hàng ngày trong phút chốc.
Buổi tiệc mùa mưa
Dường như tất cả những đứa trẻ ở các miền quê dù cho có sự khác biệt địa lý nhưng vẫn có những điểm chung chính là mê chơi những trò nghịch phá trong suốt mùa mưa, mặc cho sau đó đứa nào cũng bị ăn đòn vì không chịu nghe lời cha mẹ. Đứa trẻ nào cũng thích dầm trong mưa cho đến khi môi tím tái, hai bàn tay nhăn nheo và tê cóng thì mới chịu về nhà. Thay vì trò kéo mo cau như ở quê tôi thì những đứa trẻ đó dùng lá cây pinang hantu to như tấm thảm cầu kinh để kéo nhau, và đỉnh điểm của trò vui này chính là lúc hất cho người ngồi trên lá té vào chỗ bùn đất trơn láng.
Dù có té đau nhưng cả bọn luôn cười vang khoái chí và buổi tiệc mùa mưa chính là lễ hội được thiên nhiên bày ra cho những đứa trẻ Mã Lai nghèo khổ đó.
Chiếc nhẫn vàng
Trong bầu không khí ngột ngạt vì tháng Tám đến nhưng vẫn chưa có mưa như mọi năm mà chiếc xe đạp của Lintang thì lại không dùng được nữa vì vỏ xe cứ bị xì liên miên và dây xích cũng đã ngắn đi nhiều khiến cậu phải dắt bộ hết đoạn đường từ nhà đến trường do đó cậu quyết định đi bộ. Nhưng để kịp đến lớp học thì cậu phải đi bộ qua đoạn đường tắt đầy nguy hiểm với đầm lầy lúc nhúc cá sấu.
Lo sợ con mình vì thế mà bỏ học nên mẹ của Lintang đã đưa cho cậu chiếc nhẫn cưới của mình, đó là tài sản quý giá nhất trong nhà cậu nhưng cũng chỉ là chiếc nhẫn ba phân vàng kém chất lượng. Ikal cùng cậu ra chợ bán nó với số tiền chỉ đủ mua một sợi xích và hai vỏ bánh xe.
Lúc ông chủ tiệm vàng gỡ hết năm ngón tay của Lintang để lấy chiếc nhẫn ra cũng là lúc cậu để cho nước mắt tha hồ tuôn giàn giụa. Để đáp lại sự hi sinh của mẹ, cậu phải đạt được giải Học sinh giỏi, đó là lời hứa thứ hai của Lintang.
Người giữ lời hứa
Cuộc thi Học sinh giỏi
Nếu cuộc đời này hệt như một câu chuyện cổ tích thì chắc hẳn các bạn đều dự đoán Lintang sẽ giành được chiếc cúp danh dự trong cuộc thi Học sinh giỏi này phải không nào? Nhưng nếu thử đặt mình vào vị trí của một cậu nhóc hay cô bé học lớp 6 và đi thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, trong khi mình chỉ học ở một ngôi trường làng nhỏ bé, còn các đội khác đều đến từ những ngôi trường to lớn, nhiều tên tuổi thì xác suất giành chiến thắng của đội mình sẽ ra sao?
Thế nhưng cậu bé Lintang thật sự rất giỏi, cậu không phải giỏi như bao đứa trẻ giỏi học vẹt, mà cậu thật sự yêu thích việc tìm tòi, suy luận logic, mà khả năng của cậu thì như các bạn đã biết rồi đó. Ở cuộc thi ngày hôm ấy, cậu không chỉ tỏa sáng với những câu hỏi về toán hay khoa học, mà cậu còn khiến cho những người có học thức cao cứ thích dựa vào danh tiếng của mình để đè bẹp người khác phải gặp tình thế giơ cờ trắng chịu thua. Một cậu nhóc chỉ học lớp 6 mà có thể vận dụng kiến thức của mình để tranh luận với một giáo viên cũng là một cử nhân hạng ưu tốt nghiệp từ một trường Đại học danh tiếng. Nhưng tại sao một nhân tài như vậy lại không được để mắt đến, không được mọi người quan tâm phát triển?
Có phải chăng vì vào những năm cuối của thập niên 70 ở Indonesia hay những nước Đông Nam Á khác vẫn chưa có điều kiện để quan tâm đến giáo dục nhiều như hiện nay nên bỏ phí một nhân tài như vậy, hay do cậu xuất thân nghèo khó nên những nhà đầu tư nghĩ rằng không đáng để quan tâm?
Đừng bỏ học
Dù đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn nhưng ngôi trường Muhammadiyah này vẫn phải đối mặt với việc bị san phẳng bởi những chiếc máy xúc của PN. Và những đứa học trò nhỏ đã bắt đầu bị tiền làm cho mờ mắt mà khởi nguồn chính là lớp trưởng Kucai, cậu bỏ học để đi hái tiêu thuê và còn lôi kéo đám bạn cùng bỏ học để kiếm tiền. Tinh thần của cô Mus cũng sa sút với ánh mắt vô vọng. Những ngày cô không lên lớp vì cứ nghĩ ngôi trường phải bỏ trống cho những cái máy xúc hoạt động nhưng lớp học vẫn có học sinh, và người thay cô dạy cho 4 đứa bạn của mình chính là Lintang.
Cậu sẽ tiếp tục học cho đến khi cái cột thiêng chống đỡ ngôi trường này ngã xuống mới thôi.
Chính cậu học trò nhỏ đã thay cô Mus kể lại câu chuyện để thắp lên ngọn lửa quyết tâm bám trường bám lớp cho những đứa bạn của mình. Cậu đứng dạy dưới ánh mặt trời gay gắt, mặc cho mồ hôi chảy ròng ròng nhưng cậu vẫn say mê dạy với gương mặt sáng bừng. Và chính cậu đã truyền cho cô động lực tìm đến từng cậu học trò nhỏ của mình để khuyên chúng đừng bỏ học.
Đối với cô Mus chỉ mất một học trò thôi là coi như cô mất đi cả nửa linh hồn mình, do đó cô quyết tâm làm ngày làm đêm để có tiền chuộc Kucai trở về và mạnh mẽ đứng lên thách thức với PN.
Nhưng khi cha của Lintang mất thì cậu có còn được đi học hay không? Ngôi trường Muhammadiyah còn có thể đứng vững khi giáo dục hiện hành không còn giữ được quan điểm về học tập như thầy Harfan trước đây?
Đối với thầy Harfan học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui khi được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh. Trong khi trường học ngày nay không còn là nơi để xây dựng nhân cách mà là một phần của kế hoạch tư bản để làm giàu và nổi tiếng, để khoe khoang học vị và có quyền lực.
Kế hoạch A
Nếu không có Lintang và Mahar thì không có đứa nào dám mơ ước gì cả. Đám con trai trên đảo Belitong này khi lớn lên sẽ là những người làm thuê cũng giống như cha và ông của chúng, suốt đời quần quật với công việc của người thợ mỏ hay làm cu li, hết đời này đến đời khác.
Nhờ có Lintang và những khả năng phi thường của cậu đã giúp cho đám bạn tự tin lên và có những ước mơ cho riêng mình dù cho cả bọn mang đầy khuyết điểm, hạn chế.
Sahara muốn trở thành nhà hoạt động xã hội vì quyền phụ nữ do cô nhìn thấy những bất công ghê gớm đối với phụ nữ trong các bộ phim Ấn Độ.
A Kiong muốn trở thành thuyền trưởng vì cậu thích đi du lịch mà cũng có thể vì cậu muốn dùng cái mũ thuyền trưởng to tướng để che cái đầu hình hộp của mình.
Kucai với những tố chất của một chính trị gia nên cậu đã ôm ấp hoài bão trở thành một thành viên trong hội đồng lập pháp Indonesia.
Syahdan tuyên bố muốn trở thành diễn viên dù cho cậu chẳng có một chút xíu khả năng diễn xuất nào.
Mahar muốn trở thành một ông đồng tiếng tăm lừng lẫy và được ngay cả những người chống đối cậu tôn trọng.
Samson muốn làm nhân viên soát vé và bảo vệ rạp hát vì cậu thích xem phim và cũng để thể hiện vẻ nam nhi đại trượng phu.
Trapani tốt bụng và đẹp trai muốn làm thầy giáo.
Harun lúc nào cũng muốn trở thành Trapani.
Lintang muốn trở thành nhà toán học.
Sức mạnh của tình yêu
Và cậu nhóc Ikal muốn trở thành một vận động viên cầu lông hoặc là một nhà văn nổi tiếng, nếu không thể đạt được hai mục tiêu này thì miễn sao cậu không phải làm nhân viên bưu điện là được. Tình yêu đầu đời của cậu với cô bé A Ling đã giúp cho cậu thấy được nhiều điều và đã may mắn tìm thấy phương châm cuộc sống mới của mình.
“Có lẽ tình yêu có sức mạnh giúp cho nhiều điều được hé lộ, ví dụ như những khả năng hay những cá tính tiềm ẩn, những thứ nằm bên trong chúng ta mà chúng ta không hề biết.” – Andrea Hirata
Lời kết
Vậy tương lai của các Chiến binh Cầu vồng sau này sẽ ra sao? Chính nhờ thầy Harfan mà họ thấm nhuần tinh thần cho hết sức mình, chứ không phải nhận hết sức mình. Và con người của họ ngày hôm nay đã được hình thành từ thời tiểu học nghèo khó ấy.
Có phải chăng những giáo viên tiểu học chính là những người thầy, người cô quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta, giúp cho những đứa trẻ được hình thành nhân cách tốt khi còn ở ghế nhà trường. Thế thì tại sao giáo viên tiểu học lại không được ưu tiên là những thầy cô có tâm và tài giỏi nhất? Thầy Harfan và cô Mus chính là những con người có tấm lòng bao la như trời biển vì thế nên cậu học trò nhỏ ngày nào đã viết nên cuốn sách này đây, dành tặng cho thầy cô yêu quý của mình và các thành viên đội Chiến binh Cầu vồng.
Bài viết cảm nhận sách Chiến Binh Cầu Vồng – Andrea Hirata,
Đậu Bắp Mây Xanh