Nếu có một ngày các con vật trong nhà bạn bỗng tráo đổi ngôn ngữ cho nhau thì cảm xúc lúc đó của bạn như thế nào nhỉ? Chỉ nghĩ tới đó thôi thì tôi đã thấy thú vị vô cùng rồi… Và trong quyển “Chúc một ngày tốt lành” chuyện đó đã THẬT SỰ xảy ra tại nhà của bà Đỏ.
Câu chuyện LẠ bắt đầu
Cũng như các ngôi nhà khác trong làng, việc bà Đỏ nuôi các con vật như heo, gà là để bán lấy tiền nhằm đong cho đầy hũ gạo nhà mình. Sự trớ trêu lại xảy ra khi bà Hai Nhành qua nhà bà Đỏ để mua đàn gà con. Sau khi cả hai bà cùng miệt mài truy lùng theo những tiếng liếp chiếp thì lại phát hiện ra hai chú heo con. Bán đàn gà không được bà lại kêu ông Sáu Thơm qua bán hai chú heo con, lần này hai người họ lại tìm thấy chú cún con đang chơi một mình và mõm thì cứ kêu ủn ỉn…
Câu chuyện lạ này nhanh chóng được lan ra khắp nơi, khiến bao nhiêu nhà chức trách của các ngành khác nhau đều đến xem tận mắt những con vật có khả năng đặc biệt trong vườn bà Đỏ. Mỗi người một ý nhưng tựu trung lại họ chia thành hai phe. Một bên thì ủng hộ để đầu tư trang trí lại khu vườn nhà bà Đỏ nhằm thu hút khách đến tham quan các con vật khác thường. Một bên thì lo lắng cho tình hình trật tự của xã hội mà đứng đầu là ông an ninh…
Hũ gạo nhà bà Đỏ
Ông chủ tịch tỉnh đứng giữa hai phe không biết nên phân định như thế nào thì may thay, đứa con năm tuổi bé bỏng của ông xuất hiện, và tất nhiên trái tim ông hướng về nhận xét của trẻ thơ. Thế là vườn nhà bà Đỏ đã đông đúc, nhộn nhịp hẳn ra, hũ gạo nhà bà cũng được đong đầy liên tục, các con vật nuôi thì được ăn ngon và bà thì cũng không cần phải bán đi một con vật nào nữa. Cuộc sống sung sướng bỗng dưng đã được hình thành ở nhà bà Đỏ. Thằng Cu con bà thì chỉ có việc chăm sóc các con vật nuôi mà cũng có tiền rủng rỉnh trong túi…
Đối với trẻ con, khi cứ chơi mãi một trò chúng sẽ đâm ra ngán ngẩm và ở đây các cậu heo con, gà con hay cún con cũng thế. Dù được ăn uống no nê, nhưng chúng cảm thấy khó chịu khi cuộc sống của mình thay đổi, bị con người làm phiền. Do đó chú heo con Lọ Nồi đã khởi xướng ngừng chơi trò nói tiếng của nhau. Rất nhanh sau đó, vườn nhà bà Đỏ lại trở về khung cảnh như trước đây, kéo theo đó là tình trạng hũ gạo nhà bà.
Con người có thể đối thoại với vật nuôi?
Khoảng nửa tháng sau, trong cơn chán ngán buồn bực cùng cực của mình thì một đứa lanh lẹ như Lọ Nồi lại phát minh ra trò chơi mới. Đó là thứ ngôn ngữ pha trộn giữa những tiếng “ủn ỉn”, “chiếp chiếp”, “gâu gâu”… Và nhờ sự lém lỉnh của thằng Cu mà những âm thanh đó được dịch theo câu nói của loài người. Từ đó, hai mẹ con bà Đỏ đã thu thập được một cuốn sổ tay thực hành ngôn ngữ đối thoại giữa các con vật và chủ của nó.
Câu chuyện này bỗng dưng làm cho tôi nhớ tới mùa hè năm ba ĐH, lúc đó chúng tôi đi mùa hè xanh ở Sóc Trăng. Mỗi ngày đến lớp chúng tôi được các em chỉ cho những câu chào hỏi bằng tiếng Khơ-me, và nhờ các em viết ra một trang A4. Trên đường từ trường về nhà là chúng tôi thực hành ngay. Giờ thì bí kíp để đâu mất tiêu chỉ còn nhớ vài từ phiên âm như sau: “Chùm lịp lia”, “Tào te si pai”, “Khờ lèn” …
Ở nơi phương xa ấy cho tôi gởi lời chào…
Tai vách mạch rừng
Người ta có câu “Tai vách mạch rừng” quả thiệt không sai chút nào. Một hôm, trong lúc bà Đỏ đang trò chuyện với thằng Đuôi Xoăn thì bị bà Hai Nhành đứng nấp ngoài hàng rào phát hiện. Từ đó ngôn ngữ thú vị này đã được lan truyền khắp nơi dù cho bà Đỏ đã bảo bà Hai Nhành giữ kín bí mật. Chẳng bao lâu sau, các nhà chức trách đã nhanh chóng có mặt và tiến hành sửa sơ lại khu vườn cho khách tiện tham quan nhưng vẫn để mọi thứ như cũ, do sợ trang trí nhiều quá sẽ làm các con vật không dám thể hiện nữa. Lần này, ông an ninh chỉ còn trơ trọi một mình một phe…
Bệnh TƯƠNG TƯ
Một ngày nọ, thằng Lọ Nồi đang mải mê rong chơi phía cánh đồng bên ngoài, hít thở bầu không khí mát rượi xen kẽ hương hoa thơm thoang thoảng trong gió thì nó đi lạc tới nhà bà Tươi, và ở đó nó đã gặp một nàng heo trắng hồng xinh đẹp, nàng có tên là Đeo Nơ. Cậu chủ vì đi tìm nó mà cũng lạc vào ánh mắt của cô bé Hà mười hai tuổi mới từ thành phố về chơi hè. Không ngờ chính cái tên xấu xí mà hàng ngày cả hai cậu tớ đều không để ý tới đã khiến cho cả hai ngượng ngùng, không nói được lời nào và phải ra về trong sự buồn chán tột cùng…
Cũng nhờ nỗi tương tư của mình mà Lọ Nồi quyết tâm vượt qua thanh chắn hàng rào và phóng một mạch đến nhà bà Tươi trong đêm tối trước ngày bắt đầu cho khách tham quan ở nhà bà Đỏ. Từ đó Lọ Nồi đã phát hiện ra ba tên trộm muốn lên kế hoạch đêm hôm sau qua bắt trộm đàn bò trong nhà bà Tươi. Với kho ngôn ngữ còn hạn chế của mình cuối cùng cậu nhóc cũng đã chỉ điểm cho cậu chủ của mình. Nhờ đó thằng Cu đã báo cho ông an ninh và đã bắt được bọn trộm. Dưới ánh mắt ngưỡng mộ của vô số người vẫn không làm cho hai cậu tớ vui bằng lời nói ngọt ngào của cô chủ Hà và nàng Đeo Nơ.
Cái kết NGỌT NGÀO
Đọc hết cuốn sách rồi thì tôi cũng không nhớ nổi mình đã bật cười tổng cộng là bao nhiêu lần. Một kết thúc đầy ngọt ngào, nhưng biết đâu một ngày nào đó thằng Lọ Nồi lại đâm chán trò cũ và phát minh ra những trò chơi khác… Dù gì thì mỗi ngày chúng ta hãy nói lên câu “Chúc một ngày tốt lành” với những người xung quanh của mình nhé!!!
Niềm vui rất đỗi giản đơn,
Từ trong câu nói hàng ngày đấy thôi.
Ngày nào bé xíu vô ưu,
Đến khi gặp phải lại đành tương tư.Buồn lòng rồi cũng sẽ qua,
Tấm lòng chân thật được nàng quan tâm.
Ngày ngày gió thoảng hương hoa,
Tặng nhau câu chúc tốt lành bay xa.
Bài viết cảm nhận sách Chúc Một Ngày Tốt Lành – Nguyễn Nhật Ánh,
Đậu Bắp Mây Xanh