Lần đầu tôi cầm quyển “Bồ câu không đưa thư” trên tay là cách đây cũng hơn 10 năm trước.
Lúc ấy tôi mới học năm nhất nhưng cũng sớm thân với một nhóm các bạn trong lớp. Thế là, khi rảnh rỗi tôi lại chạy trên chiếc xe đạp màu xanh qua chỗ trọ của tụi bạn chơi. Bỗng một buổi chiều tôi chạy về ngang qua một nhà sách, rồi cứ thế tôi vào đó, một mình đứng đọc sách. Tôi lướt qua một số tác phẩm của chú và dừng lại ở cuốn “Bồ câu không đưa thư” và “Buổi chiều Windows”. Nhưng vì tiền sử xém xỉu khi đứng xem sách lâu vào năm cấp ba, nên sau khi thấy hơi mệt, tôi về. Để những trang sách ấy còn dang dở đến hôm nay tôi mới đọc hết.

Nơi câu chuyện hé mở
Giờ đây đã khá quen thuộc với tính cách của ba cô nàng Xuyến, Thục, Cúc Hương qua cuốn Nữ sinh nên tôi cũng không bất ngờ khi phần này xoáy quanh câu chuyện có một nhân vật bí ẩn mang tên Phong Khê viết thư làm quen và để trong hộc bàn của Thục. Theo suy luận của mình – Cúc Hương đoán thư này được gửi từ một người ngồi ngay chỗ Thục và học buổi sáng, tức là một cậu nhóc nhỏ hơn một khóa…
Phải chăng nàng đã tương tư?
Ngày qua ngày, với sự góp sức của hai cô bạn quân sư cùng với nhà thơ Phán củi mà ba cô nàng tha hồ nhận được quà – nào ổi, nào xoài, … Sau khi Thục gửi lá thư vô tình và trắng trợn thì anh chàng Phong Khê bỗng bặt vô âm tín. Cuộc trò chuyện thầm lặng dưới ngăn bàn từ lâu đã trở thành niềm vui quen thuộc của ba cô gái, nên giờ đây ai cũng thấy thiếu thiếu một cái gì và Thục là người buồn nhất, lúc nào cô cũng bần thần trong nỗi ngóng đợi mơ hồ.

Trong khi anh chàng Phong Khê im lìm, mất dạng thì Phán bỗng nhiên “tương” một bài thơ trên báo Mực Tím. Vì bài thơ nói về “Cô em hiền thục” nên Phán phải chịu một phen sóng gió khi cả lớp lúc nào cũng xôn xao và tuôn ra đủ lời trêu chọc. Tức nhiên là anh chàng đã bị Xuyến và Cúc Hương hỏi tội. Do đó Phán củi có bổn phận phải làm một bài thơ để dụ dỗ Phong Khê trở lại.
Lá thư hồi âm xuất hiện nhưng anh chàng Phong Khê lại hẹn tái ngộ sau khi thi xong học kỳ hai để rồi Thục cứ thấy thấp thỏm, bứt rứt trong lòng. Đây cũng là năm học cuối cùng của các cô ở ngôi trường này.
Chẳng bao lâu nữa họ sẽ phải từ giã khung cảnh quen thuộc nơi đây, sẽ không còn những lá thư bí ẩn, không được giở những chiêu trò nghịch ngợm hay gặp gỡ những gương mặt thân thương.
Cuộc truy tìm tung tích Phong Khê
Sau nhiều ngày cả bọn mất công theo dõi thì cuối cùng Xuyến phát hiện được cô bé tên Hoa ngồi ngay chỗ Thục chính là em gái của Hoàng Hòa nên ba cô nàng quyết định lật mặt nạ của Phong Khê ngay chính vào buổi hẹn xem kịch của Thục.
Cứ ngỡ mọi chuyện sẽ nhanh chóng được vạch trần nhưng không ngờ Hoàng Hòa lại nhất mực không chịu nhận mình là Phong Khê. Cho nên Cúc Hương đành phải nhờ đến sự trợ giúp của “thầy dùi” Phán củi. Nhưng khi đó trong lòng Thục bỗng lóe lên một tia hy vọng dù cho những sự kiện trong thực tế đều hướng về Hoàng Hòa.
Cuộc hẹn không thành, Xuyến kiên quyết tuyên bố cả bọn sẽ coi Phong Khê như không có trên cõi đời này, và những chuyện vừa qua chỉ là một giấc mơ… Một giấc mơ để ai đó phải ngậm ngùi. Cúc Hương thì thấy từ khi phát hiện Phong Khê là Hoàng Hòa, tình cảm của Thục bắt đầu rục rịch chuyển hướng sang Phán. Nhưng rồi lời tiết lộ bất ngờ của Phán đã khiến cho ba cô gái sửng sốt. Mai này rồi phải chia ly.
“Cho đến lúc ấy, Thục vẫn không hiểu nỗi xúc động rưng rưng của mình xuất phát từ lòng cảm thương số phận không may của một người bạn học hay đó chính là nỗi niềm vương vấn lúc chia tay” – Nguyễn Nhật Ánh.
Xa tận chân trời…
Đến ngày liên hoan lớp, Hoàng Hòa đưa cho bọn Thục một bức thư của Phong Khê – tức Phán củi.
“Người ta thường bảo chim bồ câu là nhịp cầu nối giữa hai người “không ghét” nhau. Nó sẽ mang thư của người con trai đến với người con gái cùng những lời chúc tốt lành” – Nguyễn Nhật Ánh.

Mai đây mùa hè thôi rực rỡ,
Thục bỏ sau lưng áo học trò.
Từ đây sẽ không còn bóng dáng,
Lặng thầm theo dấu hiền thục kia.Phong Khê về bên mẹ già nua,
Mộng ước sinh viên đành lỡ làng.
Chỉ còn Xuyến, Thục và Cúc Hương,
Bạn bè may mắn tiếp đường dài.
Bài viết cảm nhận sách Bồ Câu Không Đưa Thư – Nguyễn Nhật Ánh,
Đậu Bắp Mây Xanh